Tiếp tục đổ vào thị trường

Ông Lawrence Kook, Giám đốc đầu tư Maxford Investment Management:
TTCK Việt Nam còn nhiều tiềm năng

Qua một năm rưỡi “xâm nhập” TTCK Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Maxford Investment Management - Hồng Công nhận thấy Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng để khai thác. Công ty đã giải ngân được 99% tổng số vốn 30 triệu USD - chủ yếu vào CK. Chính vì vậy, kế hoạch của chúng tôi trong thời gian tới là thành lập Quỹ Vietnam focus OTC and IPO Fund, chuyên về đầu tư các loại CP trên thị trường phi tập trung (OTC) và tham gia các đợt IPO của các DN nhà nước.

Dự kiến quỹ này sẽ ra mắt vào đầu quý I-2008, với tổng vốn huy động ban đầu là 25 triệu USD và sẽ tăng lên 40 triệu USD sau một thời gian huy động thêm vốn từ các NĐT nước ngoài. Bên cạnh CK, trong năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục bỏ vốn vào BĐS, cơ sở hạ tầng. 6 phân khúc chính mà chúng tôi nhắm đến tại thị trường Việt Nam là tài chính- ngân hàng, hàng tiêu dùng, viễn thông, BĐS, năng lượng và hạ tầng.

Có một vấn đề mà chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét lại đối với các NĐT nước ngoài là cần nới “room” tại một số DN mà đến thời điểm này NĐT không còn cơ hội để sở hữu. Chẳng hạn như: VNM, GMD, STB… Mặt khác, cần có sự đối xử bình đẳng giữa các NĐT  trong và ngoài nước.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital:
Tăng các khoản đầu tư vào TTCK Việt Nam

Để gia tăng các khoản đầu tư vào TTCK Việt Nam, mới đây Tập đoàn VinaCapital đã chính thức tăng vốn cho Vietnam Opportunity Fund (VOF) thêm 272 triệu USD, vượt quá mức huy động kế hoạch 200 triệu USD trước đó. VOF là quỹ dạng đóng của VinaCapital đã niêm yết tại TTCK London (AIM), chuyên đầu tư vào các công ty tư nhân, DN Việt Nam đã niêm yết hoặc trong giai đoạn giao dịch OTC cũng như DN nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa.

Quỹ đặt trọng tâm đầu tư vào các ngành kinh tế chính có tốc độ phát triển cao như:  tài chính-ngân hàng, bán lẻ, hàng tiêu dùng, du lịch, BĐS, hạ tầng, viễn thông. Tính đến nay, tổng vốn huy động của VOF đã lên đến 1,1 tỷ USD và đã giải ngân được 900 triệu USD, trong đó 50% vốn được giải ngân vào TTCK (cả niêm yết và OTC). Hiện VinaCapital quản lý 4 quỹ đầu tư bao gồm: Vietnam Opportunity Fund (VOF), VinaLand, Vietnam Infrastructure Limited và DFJ Capital L.P. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch huy động thêm vốn cho cả 4 quỹ này và dự kiến công bố trong năm tới.

Ông Tùng Kim Nguyễn, Giám đốc điều hành Indochina Capital:
Lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam

2 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi luôn lạc quan với sự phát triển của nền kinh tế. Riêng lĩnh vực CK, đến thời điểm cuối năm 2007, chúng tôi đã giải ngân được 600 triệu USD, chiếm 2/3 trên tổng số vốn huy động được của Quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (quỹ chuyên về CK).

Hiện nay chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để giải ngân hết số vốn còn lại. Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ bỏ thêm khoảng 1 tỷ USD vào thị trường CP Việt Nam, trong đó các lĩnh vực Indochina Capital quan tâm là hàng tiêu dùng, dịch vụ, BĐS.

Indochina Capital sẽ linh hoạt trong việc phân bổ nguồn vốn, với mức bình quân khoảng 15 triệu USD cho một khoản đầu tư, tối thiểu là 5 triệu USD và tối đa là 65 triệu USD/khoản. Tỷ lệ sở hữu cổ phần khi chọn một khoản đầu tư bình quân từ 5-20%, cổ phần trong công ty tư nhân từ 20-49%, cổ phần trong công ty nhà nước và niêm yết từ 1-10%.

Đối với BĐS và hạ tầng, ngoài số vốn đã giải ngân được trong thời gian qua là 500 triệu USD, mới đây tập đoàn đã ra mắt 2 quỹ đầu tư mới trong lĩnh vực BĐS và hạ tầng với tổng vốn lên đến 1 tỷ USD. Do vậy chúng tôi luôn mong muốn tiến trình cổ phần hóa của các DN nhà nước mà Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch được tiến hành nhanh hơn, tránh sự kéo dài, chậm trễ - vì không những ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các quỹ đầu tư, mà dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị hạn chế.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây