Sắc màu chứng khoán: Phụ thuộc quyết sách vĩ mô

 

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính độc lập cho rằng, sự khởi sắc của TTCK trong thời gian tới phụ thuộc vào việc thực thi các biện pháp giải nguy và hỗ trợ kinh tế của Chính phủ.

 Ông dự báo thế nào về thị trường chứng khoán năm 2009, thưa ông?

Còn nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hai phía: Bên ngoài: kinh tế thế giới sẽ được phục hồi đến đâu? Và từ bên trong: kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ phát triển ra sao?

Phần thứ nhất, hiện nay chưa có tín hiệu nào cho thấy kinh tế thế giới sẽ có khả năng ra khỏi đà suy thoái.

Theo các viện dự báo của các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới thì tổng quan các nền kinh tế phát triển, từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều sẽ bị suy giảm với chỉ tiêu phát triển GDP hướng về âm.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn tuột dốc, kéo theo hầu hết các thị trường chứng khoán khác. Theo một tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Obama thì kinh tế Mỹ sẽ còn tuột dốc trước khi có khả năng gượng dậy.

Về phần thứ hai, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động bởi khủng hoảng toàn cầu. Guồng máy sản xuất đã bắt đầu giảm tốc. Hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động hay giải thể. Ngoại trừ một số “ốc đảo” vẫn phát triển tốt.

Phần lớn doanh nghiệp đang tìm đường cơ cấu lại tổ chức để chuẩn bị đối mặt với trận cuồng phong đang ập tới. Vì vậy, thị trường chứng khoán trong năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong nửa năm đầu không tránh khỏi tiếp tục bị tuột dốc. Chưa chuyên gia nào khẳng định đáy cuối cùng là ở mức nào. Nửa năm sau, hướng đi lên hay đi xuống còn phụ thuộc tác dụng của các biện pháp giải nguy và hỗ trợ phát triển của Chính phủ và tình hình kinh tế thế giới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường chứng khoán ở điểm nào thưa ông?

Đó là cả cơ cấu nền kinh tế Mỹ phải xem xét lại. Không còn hệ thống ngân hàng đã tồn tại hàng trăm năm nay của Mỹ để huy động vốn cho hoạt động đầu tư. Các thương vụ mua bán doanh nghiệp lớn trên thế giới trước kia, thông qua ngân hàng đầu tư chỉ cần một tuần lễ huy động được mấy chục tỷ đô-la.

Mấy chục năm gần đây các doanh nghiệp cần đầu tư dài hạn đều đến ngân hàng đầu tư đặt vấn đề. Nay thì các ngân hàng đầu tư đều sụp đổ hết hoặc chuyển thành ngân hàng thương mại. Cả hệ thống ngân hàng Mỹ cần cơ cấu lại nhưng chưa bước được bước đi đầu tiên.

Theo ông, có thể hy vọng thị trường Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang cạn kiệt sau khi khủng hoảng qua đi hay nhà đầu tư trên thế giới sẽ ưu tiên các thị trường phát triển?

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ co lại. Co lại như thế nào chúng ta còn phải theo dõi. Thị trường Việt Nam mình có tính chất hơi ốc đảo, ổn định cũng tạo ra lợi thế riêng. Nhưng cũng tùy theo chính sách và thực hiện chính sách trong việc thu hút vốn của Việt Nam.

Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đặt ra hai vấn đề với Việt Nam là chi phí quan hệ và quản lý có thông thoáng hay không.

Theo ông hiện nay có cơ hội nào trên thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân hay không?

Cũng còn cơ hội đầu tư rất tốt, nhất là cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp phát triển ở thị trường nội địa như thực phẩm, hàng tiêu dùng… Những lĩnh vực nào không bị tác động bởi khủng hoảng bên ngoài mạnh quá.

Ngân hàng Nhà nước đã có lần cắt giảm lãi suất cơ bản tới 1,5% nhưng động thái này hầu như không tác động đến thị trường chứng khoán. Theo ông vì sao thị trường “lãnh cảm" với giảm lãi suất?

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh có tính toàn cầu kể cả các doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Với lãi suất vay 10 - 11% thì doanh nghiệp khó kinh doanh bền vững và không hiệu quả. Ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu lãi suất chiết khấu và cấp vốn từ ngân hàng trung ương xuống ngân hàng thương mại chỉ có 1 - 2%.

Ngân hàng Nhà nước nên xem xét rút lãi suất chiết khấu và cung cấp vốn cho ngân hàng với mức lãi suất cạnh tranh được. Và chúng ta nên bỏ lãi suất cơ bản là lãi suất do nhà nước quy định, nó không hiệu quả.

Lãi suất cho vay chỉ khoảng 4 - 5% mới giúp doanh nghiệp cạnh tranh được. Nhưng nếu lãi suất cho vay giảm xuống còn 4 - 5% trong khi ngân hàng vừa huy động vốn 14 - 15% thì có giải pháp gì để ngân hàng cho vay được?

Giải pháp là Ngân hàng Nhà nước nên cung cấp vốn với lãi suất chiết khấu 1 - 2% để ngân hàng thương mại có thể cho vay lại với lãi suất 4 - 5%. Chỉ khi doanh nghiệp hấp thụ được vốn thì chứng khoán mới có thể khởi sắc.

Ở Mỹ vay tiêu dùng có lãi suất 14 - 15%, lãi suất thẻ tín dụng thậm chí đến 30% nhưng lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất thì rất thấp.

Theo kịch bản kinh tế của Chính phủ thì tăng trưởng kinh tế năm 2009 là 6,5%. Liệu sẽ có một kịch bản lạc quan cho thị trường chứng khoán không, theo ông?

Các tổ chức nước ngoài đều dự báo mức tăng trưởng thấp hơn. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, các tổ chức nước ngoài thường đánh giá sai. Người Việt Nam luôn đưa ra các sáng kiến tuyệt vời trong khó khăn.

Trong phát triển kinh tế những năm qua, Việt Nam đã tạo ra các ngạc nhiên với thế giới khi họ cho rằng ta không làm được thành tích này thì ta làm được. Theo tôi, kinh tế Việt Nam hoàn toàn tăng trưởng được 6,5% trong năm 2009 nếu ta có chính sách phù hợp.

Thứ nhất là chính sách tín dụng. Thứ hai là cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp, không chạy theo thành tích phi kinh tế. Quyết tâm thực hiện bài trừ quan liêu tham nhũng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới sẽ theo sát diễn biến của nền kinh tế vĩ mô trong nước dưới tác động của những quyết sách của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây