TTCK: Những giải pháp cấp bách thực hiện ngay

Các NĐT ngán ngẩm theo dõi diễn biến giá CP tại sàn CK Bảo Việt (HN).

 Ngày 25.3, với mức giảm 24,43 điểm, VN-Index đã chính thức giảm xuống dưới mức hỗ trợ 500 điểm (496,64 điểm). Mức hỗ trợ này hoàn toàn mang tính tâm lý và nếu sự suy sụp niềm tin mạnh hơn, sẽ chỉ có các mốc điểm số tròn, mà gần nhất là 400 điểm mới tạo được lực cản nhất định.

Theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN, ngay trong chiều 25.3, Chính phủ đã họp với UBCKNN và giải pháp hàng đầu được đưa ra là đề xuất NHNN chỉ đạo ngừng ngay việc giải chấp, cầm cố và kể cả các hợp đồng repo.

"Đây là vấn đề chung trong tổng thể kiến nghị về hoạt động giải chấp, chứ không chỉ giải chấp khi giá CK xuống, giải chấp cầm cố trên sàn. Điều này cũng liên quan đến việc NH cần vốn trong bối cảnh thắt chặt tín dụng. Chúng tôi kiến nghị phải xử lý chung cả các vấn đề này.

Một mặt NH cũng phải thấy được là nếu vẫn tiếp tục yêu cầu giải chấp thì giá sẽ xuống nữa. Mà giá càng xuống thì rủi ro của NH trong cầm cố càng tăng lên do NĐT khó trả được nợ. Phải tạo cho người đi vay cơ hội để gỡ ra và NH bảo toàn được nguồn vốn. Chính phủ cũng nên có nghiên cứu, quyết sách để hỗ trợ các NH, các TCTD để đảm bảo thực hiện được mục tiêu là tạm ngừng hoạt động giải chấp để ổn định tâm lý", ông Bằng cho biết.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng với UBCKNN ngày 15.3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đề nghị nếu thị trường xuống dưới 500 điểm, các NH nên khoanh nợ, dãn nợ, ngừng giải tỏa cầm cố CP với các hợp đồng đến hạn hay số CP có giá xuống thấp.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NH (NHNN) cũng cho rằng theo số liệu thống kê thì số tiền cho vay kinh doanh CK không lớn, NHNN có thể yêu cầu NHTM thực hiện giải pháp tạm thời là ngừng giải tỏa CP cầm cố, hỗ trợ cho các NĐT dài hạn, đổi lại những NH đó sẽ được NHNN hỗ trợ. TTCK Hồng Kông từng rơi vào tình huống tương tự và NH T.Ư Hồng Kông đã cho vay để NH ngừng giải chấp CP.

Trong khi chờ các quyết sách mạnh tay, ông Vũ Bằng cho biết sẽ giảm biên độ giao dịch tại hai sàn. Ngay trong chiều 25.3, UBCKNN đã có công văn chấp thuận đề nghị của TTGDCK Hà Nội và Sở GDCK TPHCM về việc tạm thời điều chỉnh biên độ giá.

Cụ thể, sàn Hà Nội đang từ biên độ +/-10% sẽ chỉ còn +/-2% và sàn TPHCM từ +/-5% xuống còn +/-1%. Giới hạn biên độ mới sẽ được áp dụng ngay từ 27.3.2008. Thực tế việc giảm biên độ đã có tiền lệ trên TTCKVN vào thời điểm năm 2001 khi tốc độ tăng trưởng quá nóng.

"Việc giảm biên độ chỉ là giải pháp tạm thời mang tính rất ngắn hạn trong lúc chờ đợi Chính phủ có những giải pháp thích hợp để đưa ra hỗ trợ thị trường. Khi lượng bán tháo nhiều việc này sẽ làm chậm lại, giúp NĐT trấn tĩnh hơn.

Trung Quốc cũng đã có thời điểm điều chỉnh từ mức 10 - 15% xuống còn 1%. Khi dùng biện pháp như vậy cũng có thể giá sẽ không thể hiện được diễn biến thị trường nhưng giải pháp nào cũng có tính hai mặt và ở đây, mục tiêu cao nhất là vì sự ổn định tâm lý", ông Bằng khẳng định.

Liên quan đến sức cầu, UBCKNN đề xuất NHNN tăng mức độ ưu tiên cho việc mua ngoại tệ đối với hoạt động đầu tư CK, góp vốn cổ phần.

"Chính phủ vừa qua cũng đã chỉ đạo NHNN mua ngoại tệ mạnh hơn và các NH cũng đã làm nhưng việc mua ngoại tệ phục vụ đầu tư trên thị trường, góp vốn nước ngoài vào các DN đấu giá CPH cũng chưa giải quyết hết được. NH có ưu tiên cho nhu cầu ngoại tệ như kiều hối, XNK, Bộ Tài chính bán ra rồi sau đó mới đến mua CK. Trong trật tự đó cũng có cái khó chung của NH. Khi tình thế cấp bách thì nên tăng độ ưu tiên với mua đầu tư CK và góp vốn cổ phần", ông Bằng nói.

Về vai trò của TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC), chiều 25.3, Bộ Tài chính đã họp bàn cơ chế phối hợp của SCIC.
 
"Vừa qua, SCIC đã mua vào nhưng bây giờ cũng cần một cơ chế cho SCIC để tách rời giữa chức năng bình ổn thị trường và chức năng kinh doanh cho rõ ràng. UB cũng sẽ điều chỉnh hướng dẫn về việc mua CP quỹ. Theo luật nếu mua vào CP quỹ thì phải 6 tháng sau mới được tăng VĐL và phải sau 7 ngày công bố.

Chúng tôi cũng đề xuất coi đây là sự hỗ trợ cho thị trường, và việc xử lý có thể xin chủ trương. Việc đồng loạt mua vào CP quỹ cùng với SCIC sẽ có tác động chung tạo sức mạnh ổn định thị trường", ông Bằng cho biết.

5 biện pháp cụ thể bình ổn thị trường

Chiều 25.3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn TTCK. Cụ thể:

1. TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) tập trung mua vào các CP có tỉ trọng lớn góp phần ổn định thị trường.

2. Giao NHNN chỉ đạo các NHTMNN và vận động các NHTMCP quyết định chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo CK.

3. Cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với mức lãi suất 9%.

4. Đẩy mạnh mua ngoại tệ với tỉ giá thích hợp cho các NH và các tổ chức tài chính nếu ngoại tệ có nguồn gốc hợp pháp, kể cả ngoại tệ từ nguồn đầu tư gián tiếp.

5. Cho phép các DN mua lại các CP của chính DN đã phát hành ra thị trường và không bị hạn chế việc tăng VĐL theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin, tin đồn thất thiệt trên TTCK gây ảnh hưởng xấu đến NĐT; giao Bộ Tài chính, NHNN và UBCKNN tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2008, nói rõ kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng. N.Hoàng

Nguyễn Hoàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây