Những điều hợp lý
Thực tế đã có lúc thị trường phù hợp với khái niệm "điều chỉnh" (corection) sau đợt tăng trưởng tháng 10-11.2007. Tuy nhiên, câu chuyện chính sách tiền tệ rối rắm cuối năm 2007 đã phản ánh sự thất vọng của thị trường và những phản ứng được thể hiện lên việc giá CK liên tục giảm mạnh xuống mức 900 điểm.
Song hành với đó là biến động đầy rủi ro của TTCK thế giới mà nổi bật nhất là thị trường Mỹ cũng khiến TTCKVN bị tác động từ góc độ tâm lý và mức độ vận động của dòng vốn ngoại. Kết quả kinh doanh năm 2007 của đa số DN niêm yết đa số vượt kế hoạch, nhưng đã không được phản ánh lên giá CP do thị trường lại bị tác động bởi câu chuyện khác: Câu chuyện lạm phát và đi kèm với đó là chính sách thắt chặt tín dụng.
Sự liên tục sụt giảm của thị trường trước mắt là kết quả của ba yếu tố: Lạm phát, chính sách tín dụng thắt chặt và sự suy giảm của TTCK thế giới. Lạm phát cao là ngòi nổ cho cho sự đi xuống của TTCK.
Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 1 và tháng 2, Chính phủ đã ưu tiên thực hiện các chính sách vĩ mô nhằm giảm lạm phát. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp đó dường như vẫn chưa được thể hiện rõ. Theo những số liệu của tháng 3 vừa được công bố tại Hà Nội và TPHCM, giá cả hàng hóa vẫn tăng.
Chính sách thắt chặt tín dụng mà ban đầu là tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc là những biện pháp rút tiền ra khỏi lưu thông nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tác động phụ tới TTCK lại khá mạnh khi tỉ lệ cho vay cầm cố CK, hoạt động repo và đầu tư tài chính khá lớn.
Việc các NH cho vay quá dễ dãi đã có tác dụng ngược khi những chính sách tiền tệ mạnh tay được thực thi. Tính thanh khoản của hệ thống NH trở nên kém và lãi suất thị trường liên NH tăng quá cao, làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động là biểu hiện rõ nhất.
Tai bay vạ gió?
Những tín hiệu xấu trong ngắn hạn từ nền kinh tế và tác động của chính sách tiền tệ có thể lý giải được sự suy giảm tất yếu của TTCK. Sự hút vốn của thị trường vàng cũng góp phần làm trầm trọng thêm. Tuy nhiên, những tác động đó sẽ kéo lùi thị trường đến đâu và mức nào là hợp lý thì không thể dự đoán chính xác. Chỉ có thị trường mới tìm được câu trả lời đúng nhất khi tự tìm đến sự cân bằng. Kết quả kinh doanh quý I/2008 của các DN niêm yết cũng được dự báo không khả quan là điều dễ hiểu, nhưng xấu đến mức nào thì cũng phải chờ một con số chính thức.
Diễn biến những ngày vừa qua hoàn toàn bị điều hành bởi áp lực cung không theo đúng nghĩa thị trường, mà một trong số đó là hoạt động bán ra từ các CTCK và NH. Hoạt động giải tỏa cầm cố tiếp tục gia tăng mạnh, đồng thời nhu cầu bán CK thu tiền mặt của các NH trong bối cảnh thắt chặt tín dụng đã tạo ra nguồn cung mang tính "cưỡng ép". Chính hoạt động xả hàng bằng mọi giá này đã khiến NĐT cá nhân lẫn quỹ đầu tư, tự doanh CTCK lâm vào cảnh "không bán thì càng lỗ".
Chiến lược bán rẻ để có thể mua lại rẻ hơn đang được áp dụng trong khi sức cầu quá yếu là nguyên nhân của diễn biến giảm sàn với nhịp độ cao, liên tục. Nếu trong điều kiện bình thường, khi giá giảm thị trường sẽ tự điều tiết cung cầu. Nhưng với tình cảnh hiện tại, cách duy nhất đúng là "tránh đường chờ lũ đi qua" vì cung cầu không thể tự cân bằng.
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, tại cuộc gặp gỡ với đại diện các quỹ đầu tư mới đây, đánh giá chung của các quỹ lớn cho thấy trong trung hạn và dài hạn, kinh tế VN vẫn tăng trưởng, TTCK còn rất nhiều tiềm năng.
Bản thân các chuyên gia kinh tế của các tổ chức quốc tế trong buổi làm việc với Thủ tướng cũng tin tưởng VN sẽ có mức tăng trưởng rất cao ở mức 8 - 9%. Nhiều tổ chức nhận định, tình hình lạm phát sẽ tốt dần về cuối năm. Cũng có nhiều thông tin về hoạt động mua vào của các quỹ nhưng chính họ cũng phải thừa nhận mới trong tình trạng thăm dò. Điều này cũng không có gì lạ vì không ai dại gì "đốt tiền" đi ngược lại xu hướng thị trường