Những DN đang có ý định niêm yết trên TTCK chính thức tỏ ra e ngại.
DN ngại lên sàn
Trong ĐHCĐ của một NH tại HN vừa qua, một trong những nội dung được đưa ra lấy ý kiến đại hội thông qua là việc tiến hành niêm yết CP của DN này trên TTGDCK HN. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra được nhiều cổ đông quan tâm là niêm yết vào thời điểm này có ảnh hưởng nhiều tới CP của NH không, bởi tính từ thời điểm đầu năm tới nay tình hình thị trường niêm yết không những không được cải thiện mà ngày càng suy giảm, CP ngày càng mất giá.
Tuy đã hoàn tất thủ tục và hồ sơ cấp phép xin niêm yết trên TTGDCK HN, nhưng chính Ban điều hành và Ban kiểm soát của DN vẫn rất băn khoăn do tình hình thị trường không còn thuận lợi như trước.
Đối với cổ đông của NH này cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, việc niêm yết thời điểm này sẽ làm cho CP giảm giá theo đà trượt dốc của thị trường nói chung, do đó ảnh hưởng tới quyền lợi cổ đông, đánh trực tiếp vào nguồn tài sản mà họ đang nắm giữ.
Theo chiều ngược lại, nhiều ý kiến khác lại cho rằng nếu tiến hành niêm yết trong thời điểm hiện nay thì tính thanh khoản sẽ tốt hơn, một số cổ đông nhỏ nếu muốn thoái vốn cũng sẽ dễ dàng.
Một nguyên nhân nữa là với lộ trình tăng vốn của NH này trong thời gian tới VĐL sẽ tăng lên tới 4.000 tỉ đồng, gấp đôi mức VĐL hiện nay, trong đó nguồn vốn tăng thêm này chủ yếu huy động từ cổ đông bằng việc phát hành thêm CP, trái phiếu chuyển đổi.
Nên đối với những cổ đông đang bị cạn tiền thì rất cần bán bớt CP để nộp thêm cho DN bởi nếu không họ sẽ chịu thiệt khi CP của DN bị pha loãng. Chính vì vậy việc niêm yết trên sàn sẽ giúp họ chuyển CP thành tiền mặt thay vì mỏi mắt không tìm được người mua trên thị trường OTC được cho là đóng băng trong suốt gần nửa năm trời qua.
Đó là ý kiến của các cổ đông. Còn ý kiến của các DN thì sao? Lãnh đạo NH này khi được hỏi về lộ trình niêm yết, đã "xin khất" vào một dịp khác. Bởi theo ông, câu chuyện niêm yết trong thời điểm hiện nay rất nhạy cảm.
Không chỉ đối với NH này mà hai NH khác tại HN cũng phải đối mặt với tình huống tương tự trong câu chuyện niêm yết trên thị trường chính thức. Thậm chí, có thông tin cho rằng một trong hai NH này đã xin rút hồ sơ khi đã hoàn tất thủ tục chỉ còn chờ được cấp phép chính thức.
Khi đề cập tới vấn đề này, đại diện của cả hai NH đều từ chối cung cấp thông tin. Lý do được đưa ra là những thông tin này rất nhạy cảm và bản thân hai NH này cũng không muốn bàn luận gì thêm về câu chuyện niêm yết của họ trong thời điểm này.
Vẫn nên niêm yết!
Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường - UBCKNN, việc niêm yết hay không là hoàn toàn do DN tự quyết định. Ông Sơn cho rằng: "Việc niêm yết chỉ là đưa CP của DN vào giao dịch trên thị trường chính thức, song bản thân DN có VĐL bao nhiêu, số lượng CP bao nhiêu hoàn toàn không ảnh hưởng".
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh tới yếu tố thanh khoản sẽ tốt hơn nếu DN niêm yết trên thị trường chính thức, bên cạnh đó, thông tin minh bạch hơn sẽ tạo cơ hội cho nhiều NĐT tiếp cận và mua CP.
"Trong trường hợp các DN đang trong quá trình xúc tiến niêm yết, thậm chí có những Cty đã được cấp phép niêm yết nhưng do thị trường giảm mạnh thì có thể hoãn hoặc lùi thời gian niêm yết. Bởi lo ngại về giá CP không lên hay đi ngang mà lại đi xuống mặc dù tính thanh khoản tốt hơn" - ông Sơn nói.
Theo quan điểm của ông Sơn, chuyện niêm yết hay không niêm yết của DN là điều hoàn toàn bình thường, bởi DN sẽ quyết định niêm yết nếu đủ điều kiện và sẵn sàng đối với vấn đề này.
"Hiện nay thị trường đang mất cân đối cung - cầu, cầu yếu mà nguồn hàng vào thị trường nhiều thì phía UBCKNN mới chỉ khuyến cáo những DN đã niêm yết ngừng hoặc hoãn phát hành thêm CP để tăng vốn" - ông Sơn cho biết.
Liên quan tới vấn đề niêm yết của các DN trong thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Quang Vinh, TGĐ CTCK Bảo Việt cho biết, một số DN do BVSC tư vấn niêm yết vẫn đang sẵn sàng cho việc đưa CP lên sàn tập trung.
"Đâu phải cứ lúc thị trường nóng thì mới tiến hành niêm yết", ông Vinh bày tỏ. Trước lo ngại của nhiều Cty về tình hình thị trường suy giảm sẽ làm giá CP của những DN này không thuận lợi và giảm theo đà của thị trường, ông Vinh cho rằng: "Đấy là những lo ngại khi giá giảm sẽ có ảnh hưởng tới hình ảnh của DN, còn những yếu tố khác như giá trị DN sẽ không bị ảnh hưởng. Phía cơ quan quản lý chỉ kiểm soát nhằm tránh tình trạng cung quá lớn ra thị trường cùng một thời điểm, còn đối với DN nếu đủ điều kiện thì vẫn cứ tiến hành niêm yết theo đúng lộ trình".
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Dũng- TGĐ CTCK Tân Việt cũng cho rằng, việc niêm yết hay không không ảnh hưởng nhiều tới DN. Giá các CP giảm là do tình hình chung của thị trường hiện nay, thị trường có lên ắt có giảm.
Nhấn mạnh tới yếu tố tính thanh khoản, ông Dũng cho rằng: "Việc giá CP giảm cũng không nguy hiểm bằng việc NĐT không thể mua, không thể bán CP. Bởi trong trường hợp muốn thoái vốn, cơ cấu danh mục hay chuyển kênh kinh doanh cũng không có cơ hội".
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề cập tới yếu tố minh bạch thông tin sẽ giúp cho NĐT lựa chọn CP, còn DN có cơ hội huy động vốn qua thị trường. Một yếu tố nữa là trường hợp giấy phép niêm yết hết hạn và DN bị hủy niêm yết thì phải làm thủ tục xin cấp lại.
Việc lập lại một hồ sơ niêm yết, theo kinh nghiệm của ông Dũng, cũng cần có thời gian và qua nhiều công đoạn. Nếu thời gian quá 6 tháng, DN buộc phải làm báo cáo tài chính mới và phải được kiểm toán, không kể phí tư vấn cũng đã thỏa thuận.
Chính vì vậy, theo khuyến nghị của ông Nguyễn Quang Vinh: "Với những DN tiến hành niêm yết trên thị trường vào thời điểm này cần phải xác định tư tưởng sẵn sàng. Còn tình hình thị trường hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi yết tố cung - cầu, nhưng nhiều khi cung cầu cũng bị bóp méo. Các DN không nên quá quan tâm tới sự biến động của giá CP hiện nay mà hãy tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tập trung vào việc điều hành tốt các hoạt động sản xuất".