![]() |
Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực phân phối bán lẻ từ 1-1-2009 |
Tính toán có chọn lựa
Bà Anne-Laure Nguyen - Tổng thư ký của EuroCham đồng thời phụ trách các vấn đề về thương mại quốc tế và WTO của Công ty Baker&McKenzie nói: Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thành lập các liên doanh phân phối bán lẻ với các doanh nghiệp trong nước từ tháng 1-2008 (nhưng chưa cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài được tự tổ chức hay tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối), trước khi chính thức mở cửa hoàn toàn lĩnh vực này từ 1-1-2009.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có liên doanh mới nào chính thức được tham gia thị trường dù có nhiều giấy phép đã nộp lên cơ quan chức năng. Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany đồng tình và cho rằng: “Đang có sự chậm trễ trong lĩnh vực này”.
Trao đổi với TBKTSG cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nói việc chưa cấp phép cho các liên doanh phân phối không phải nhằm mục đích bảo hộ các nhà phân phối trong nước mà là một “tính toán có chọn lựa.”
Ông lý giải: “Việc thực hiện cam kết cấp phép ở thời điểm này là một tất yếu nhưng việc xét chọn phải dựa trên các cân nhắc về điều kiện quốc gia, điều kiện môi trường kinh tế địa phương, đến giao thông, dân cư và nhiều mặt khác nữa”. Ông dẫn ra một ví dụ về sự cân nhắc: nhiều quốc gia không cấp phép cho các đại siêu thị nếu khoảng cách giữa hai địa điểm này dưới 50 ki lô mét.
Ông Biên nói thêm hệ thống các nhà phân phối trong nước mới phát triển vài năm nay, hầu hết theo hình thức công ty cổ phần, cần có thời gian để phát triển mạnh hơn: “Vì thế việc cấp phép cho liên doanh phân phối hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải tính đến yếu tố đảo lộn thị trường và kiểm soát nó qua các công cụ được WTO cho phép, trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế”.
Ông khẳng định Việt Nam đang thực hiện đúng cam kết WTO vì bộ vừa ban hành sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 09/2007/TT-BTM cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu được bán hàng nhập khẩu cho nhiều nhà phân phối hợp pháp thay vì chỉ một như trước.
Thực ra Việt Nam đã mở cửa thị trường sớm hơn cam kết WTO bằng việc cho phép các tập đoàn phân phối lớn thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài và mở hàng loạt các siêu thị tại các tỉnh, thành của Việt Nam.
Ông Biên bổ sung thêm rằng: thực ra Việt Nam đã mở cửa thị trường sớm hơn cam kết WTO bằng việc cho phép các tập đoàn phân phối lớn thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài và mở hàng loạt các siêu thị tại các tỉnh, thành của Việt Nam. Ông đưa ra ví dụ như Metro đã mở đến tám siêu thị trong chuỗi hệ thống, ngoài ra còn có các hệ thống của Big C, Parkson và sắp tới đến lượt Lotte Shopping, một nhà phân phối lớn của Hàn Quốc, cũng được cấp phép.
Ông Biên nói chỉ còn ít tháng là đến ngày 1-1-2009, thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài nên các doanh nghiệp sẽ không còn phải đợi lâu. “Năm 2009 việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài và người tiêu dùng trong nước”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay: việc mở cửa thị trường không phải là mở cửa tự do vô điều kiện, mà dựa vào công cụ kiểm soát như các quốc gia khác. Ông dẫn ra trong biểu cam kết dịch vụ với WTO, Việt Nam có giữ một công cụ kiểm soát (hạn chế mở điểm bán lẻ) để hỗ trợ cho các nhà phân phối trong nước với tiềm lực và khả năng cạnh tranh còn yếu so với doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thì muốn được Chính phủ điều tiết thị trường cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật trong nước và cam kết quốc tế cho phép vì sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ nội địa và nước ngoài đang trở nên gay gắt mà phần thắng không nghiêng về các doanh nghiệp trong nước.
Quá nhiều ngân hàng?
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam đã quá chậm khi xem xét cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ông Jean-Pierre Achouche - Giám đốc điều hành của France Telecom tại Việt Nam, dẫn chứng rằng cách đây hơn chín tháng HSBC và Standard Chartered đã xin mở chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được giấy phép chính thức dẫu rằng các cam kết WTO của Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 1-4-2007.
Còn ông Cany thì nhấn mạnh hai ngân hàng châu Âu này cũng đã nhận được thông báo đồng ý về nguyên tác trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Vương Quốc Anh. “Nhưng một tháng tháng trôi qua mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có động thái nào trong việc cấp phép theo đơn xin của họ”.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu có làm rõ những tiêu chí về việc mở cửa lĩnh vực này tại hội nghị: “Việt Nam - ngôi sao đang lên ở châu Á” do tạp chí The Economist tổ chức tại Hà Nội đầu năm 2008.
Theo đó, ngân hàng chỉ nhận được giấy phép khi đáp ứng hàng loạt các điều kiện: ngân hàng mẹ có kết quả tín nhiệm quốc tế từ mức ổn định trở lên, có tổng tài sản ít nhất 20 tỉ đô la Mỹ vào năm tài chính trước năm xin cấp giấy phép và có tình hình tài chính lành mạnh (tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, hoạt động có lãi ba năm liên tiếp trước năm xin cấp phép), cơ quan thanh tra, giám sát có thẩm quyền của nước nguyên xứ có khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của ngân hàng mẹ trên cơ sở tổng hợp theo thông lệ quốc tế và đã ký cam kết với NHNN Việt Nam về hợp tác, quản lý cùng hàng loạt các điều kiện khác.
Nhưng dù đã đáp ứng được hàng loạt “hàng rào kỹ thuật” như trên, một lãnh đạo NHNN đưa ra một lý do (có thể) về việc các ngân hàng nước ngoài chưa nhận được giấy phép vì thị trường ngân hàng ở Việt Nam phát triển quá nhanh và quá nóng. Hiện đã có 43 ngân hàng trong nước và 28 ngân hàng nước ngoài với tổng số 39 chi nhánh và 5 ngân hàng liên doanh (nguồn: NHNN Việt Nam, tháng 1-2008).
Ông này nói: “Dù số lượng ngân hàng nước ngoài và liên doanh hiện chỉ chiếm khoảng 9,4% thị phần nhưng xét trong tổng thể, con số ngân hàng đã vượt quá mức cần thiết của nền kinh tế”.
Trong khi đó thì ở hướng ngược lại, một số chuyên gia lại dẫn ra những mặt trái trong việc thực hiện các cam kết WTO (mở cửa thị trường và cắt giảm dòng thuế) chỉ theo lộ trình thời gian mà không tính toán đầy đủ các yếu tố tác động khác. Ví dụ như chuyện nhập siêu là thể hiện sự “thật thà” của các nhà quản lý trong việc thực hiện các cam kết chỉ theo tiến độ thời gian, dẫn đến việc hàng ngoại (trong đó có ô tô nhập khẩu) tràn vào Việt Nam, làm gia tăng mạnh tình trạng nhập siêu.
Còn ông Cany nói rằng EuroCham và các doanh nghiệp nước ngoài rất hiểu sự chậm trễ của Việt Nam là do phải thực hiện hàng loạt các cam kết WTO đồng thời phải giải quyết nhiều vần đề hiện tại của nền kinh tế, nhất là tình trạng lạm phát tăng cao. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có thể thông cảm nếu Việt Nam chậm thực hiện cam kết chỉ trong sáu tháng nhưng họ sẽ thực sự lo lắng nếu chậm cả năm.
Ngọc Lan - Mộng Bình