Nghề muối Bạc Liêu luôn đứng trước những thách thức rất lớn

Nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề truyền thống được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Vùng sản xuất muối của tỉnh tập trung ở các địa phương ven biển là thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Muối Bạc Liêu rất nổi tiếng và chất lượng, hạt muối có độ mặn không đắng chát.
 
 
Năm 2013, sản phẩm muối Bạc Liêu được Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề muối ở Bạc Liêu luôn đứng trước những thách thức rất lớn như: Phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, giá muối thấp, được mùa thì mất giá… nên đời sống người dân làm muối gặp khó khăn.
 
 
Trong mùa vụ 2020- 2021, toàn tỉnh có hơn 1.500 ha sản xuất muối, giảm khoảng 2.000 ha so với năm 2011. Trong đó, diện tích muối sản xuất theo truyền thống, tức phơi trên nền sân đất là gần 1.400 ha và theo phương pháp trải bạt là khoảng 100 ha.
Đối với Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu, qua hơn 25 năm thành lập và phát triển, hiện nay đã sản xuất nhiều sản phẩm từ muối: Muối tinh, muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy i ốt, muối ớt, muối ớt tôm và muối tiêu… phục vụ thị trường trong nước.
 
Hiện nay, sản phẩm muối của công ty đã có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn trong nước, với sản lượng chế biến 35 tấn muối/ngày. Ngoài ra, Công ty còn xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… nhưng sản lượng xuất khẩu thấp, bình quân mỗi tháng chỉ xuất khẩu khoảng 100 tấn muối. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất quá cao nên khó có thể cạnh tranh với các tỉnh, thành khác.
 
Qua làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, các ban ngành hữu quan, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu và đến tham quan một số Hợp tác xã làm muối trên địa bàn huyện Đông Hải, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Để năng cao giá trị sản xuất muối thì Bạc Liêu cần có kế hoạch quy hoạch tổng thể, kết hợp nhiều nguồn như nguồn nông thôn mới hay nguồn từ khuyến nông… Trước hết thì tỉnh cần xác định lại diện tích sản xuất muối sau cho phù hợp nhất, sau đó báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần xây dựng mô hình điểm sản xuất muối. Đặc biệt, để nâng cao giá trị nghề muối, hạt muối, Bạc Liêu cần sản xuất theo hướng đa dịch vụ, giảm lao động thủ công thay vào đó là công nghệ khác. Ngoài ra, cần tìm doanh nghiệp để liên kết, nâng cao chuỗi liên kết giá trị.
 
Theo Tấn Phong
VOV
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây