![]() |
Việc cho khôi phục hàng loạt các NH là một ví dụ. Những NH này đã không hoạt động từ lâu nay được khôi phục lại và chuyển từ NH nông thôn thành NH đô thị cũng là tác nhân cho việc thúc đẩy tốc độ lạm phát. Các NH này vừa chấp thuận nguyên tắc đã rao bán CP lên từ 3 - 4 lần, có NH lên tới 10 lần và ồ ạt tăng vốn nhưng không ai có thể ngăn cản được.
Tiếp đến là các tập đoàn ra đời và liên tiếp lập ra các Cty con. Theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện có trên 28/70 tập đoàn, TCty tham gia góp vốn thành lập NH, CTCK, bảo hiểm, kinh doanh BĐS... Đây là một thực tế đáng báo động khi các tập đoàn, DNNN lớn lại tham gia vào những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề chính của mình mà hoạt động đa chức năng.
Các CTCK, Cty quản lý quỹ được tiếp tục ra đời với những điều kiện rất thuận lợi và cho đến nay đã có tới hơn 90 CTCK và hơn 31 Cty quản lý quỹ. Chúng ta hãy nhìn lại các nước quanh ta mới thấy ở VN việc thành lập các Cty quá dễ dàng, gây nên áp lực về vốn, về nhân lực, cơ sở vật chất...
Liên hệ lại với thời kỳ đầu của TTCK Đài Loan, số lượng các CTCK đang từ 28 Cty vào cuối tháng 6.1988 lên 297 Cty vào tháng 9.1990, khiến cho thị trường nhân lực thiếu hụt trầm trọng và cũng đã phải giải thể, sáp nhập hàng loạt.
Sự tăng trưởng nóng của thị trường làm xói mòn niềm tin của NĐT, điều mà các NĐT mong muốn là thăng tiến và tăng đều đặn. Song sự khởi đầu của CP với xuất phát điểm quá xa rời thực tế làm cho các NĐT nuôi nhiều kỳ vọng, đến nay tỉnh ngộ lại thì giá đang từ trên trời rơi xuống mặt đất. Trước thực trạng đó, giải pháp gì để khôi phục lại niềm tin cho thị trường?
Để bảo vệ thị trường, ổn định kinh tế, có thể khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ là khá quyết liệt, song từ chủ trương đến hành động thực tế vẫn còn có khoảng cách và thời gian, từ thủ tục hành chính, trách nhiệm và sự bảo thủ... đã gây thêm trì trệ trong tổ chức điều hành. Phải chăng trong giai đoạn khó khăn này, phải có sự đồng lòng, đồng thuận và quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành mà cái gốc vẫn là điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, thực hiện kiên quyết trong việc chống lạm phát?
Đã đến lúc cần quy định một cách chặt chẽ việc cho ra đời các NH, CTCK. Trong điều hành kinh tế thị trường cũng phải phân định rạch ròi trách nhiệm của các cơ quan quản lý điều hành trực tiếp, đã đến lúc phải phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để hành chính, bỏ cơ chế xin - cho và sự can thiệp theo mệnh lệnh hành chính.
Việc giảm cung tiền, nếu không có sự kết hợp đồng bộ và thúc đẩy sản xuất sẽ làm chậm sự phát triển sản xuất, tăng trưởng bị giảm sút, vì vậy cần xử lý tốt hơn vòng quay tín dụng để đảm bảo vòng quay vốn đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh phát triển.